7 Cách Làm Khô Giày Trong Mùa Mưa

7 Cách Làm Khô Giày Trong Mùa Mưa

Mưa gió là kẻ thù của những đôi giày. Trời mưa làm giày bị ẩm ướt mà rất lâu khô. Điều này không chỉ làm đôi giày bốc mùi mà có thể còn gây kích ứng da và làm giảm tuổi thọ của đôi giày. Sau đây là những phương pháp làm khô giày nhanh nhất trong mùa mưa bạn nên biết để tránh tình trạng trên.

1. Làm khô giày bằng giấy báo

Đây là cách đơn giản và dễ thực hiện nhất mà bạn không cần phải đắn đo hay suy nghĩ nhiều. Cách này có thể áp dụng cho rất nhiều loại giày, kể cả giày da.

Cách làm: Tìm giấy báo dễ thấm và vo chúng thành những viên nhỏ. Cho những viên giấy báo vừa vo xong vào giày để chúng hút ẩm từ bên trong. Dùng một tờ giấy báo khác bao toàn bộ đôi giày để hút ẩm từ bên ngoài rồi đặt giày ở nơi khô thoáng và chờ. Tầm 20 phút thì thay một lớp giấy mới. Giấy báo sẽ hút hết nước ngấm vào giày và giúp giày khô tự nhiên. Khi sử dụng cách này, bạn nên chọn giấy báo cẩn thận để tránh những đôi giày màu trắng hoặc giày màu sáng bị lem mực in.

2. Làm khô giày bằng máy sấy tóc

Phương pháo này rất đơn giản và nhanh chóng nếu trong nhà bạn có máy sấy tóc. Tuy nhiên, cách này chỉ sử dụng cho những đôi giày bằng vải, không sử dụng cho giày da, đế cứng hoặc đế gel để tránh nhiệt độ từ máy sáy làm hỏng đôi giày.

Cách làm: Giày ướt bạn nên làm sạch vết bẩn trước. Tiếp đó, bật máy sấy thổi đều lên toàn bộ đôi giày, nên sấy bên trong ra để làm khô bên trong trước. Giày sau khi bớt ẩm ướt thì để nơi khô thoáng.

3. Làm khô giày bằng muối

Đây là mẹo làm khô giày nhanh và khá hiệu quả bạn nên tham khảo vì muối rất dễ dàng tìm thấy trong ngăn bếp.

Cách làm: Cho một lượng muối vừa đủ vào chảo đun nóng để muối khô lại và nóng lên. Cho muối vừa đun vào một chiếc tất rồi đặt chiếc tất đựng muối này vào trong giày và chờ. Có thể lặp lại nhiều lần tùy vào mức độ ẩm ướt của đôi giày. Muối đã đun nóng hút ẩm rất hiệu quả và an toàn cho giày.

4. Làm khô giày bằng gạo

Làm khô giày bằng gạo dễ thực hiện nhưng có thể là hơi lãng phí một chút. Cách này có thể sử dụng cho tất cả các loại giày, kể cả giày da lộn.

Cách làm: Chuẩn bị một chiếc hộp có thể chứa vừa đôi giày cần làm khô. Tiếp đến, cho một lớp gạo vào hộp, đặt đôi giày vào và cho thêm một lớp gạo lên trên rồi đóng nắp hộp lại. Khoảng 2 giờ là gạo sẽ hút hết hơi ẩm trong giày, nếu muốn nhanh hơn thì có thể đổ gạo bao quanh đôi giày.

5. Làm khô giày bằng máy quạt

Cách này có thể áp dụng cho mọi loại giày, từ giày thể thao, giày da cho đến giày da lộn và giày da nubuck.

Cách làm: Đặt một chiếc khăn trước quạt, chiếc khăn này có nhiệm vụ thấm nước từ giày trong quá trình sấy khô. Tháo miếng lót và tháo hết dây giày nếu là giày buộc dây. Đặt giày lên chiếc khăn lúc nãy sao cho gió thổi từ quạt có thể đi vào trong giày nhiều nhất. Lúc đầu nên bật quạt ở mức vừa phải rồi mới chuyển sang mức cao hơn. Sẽ mất khoảng từ 1 – 2 giờ để giày khô tùy vào độ ẩm ướt của giày.

6. Làm khô giày bằng dàn nóng máy lạnh

Tận dụng dàn nóng máy lạnh để làm khô giày vừa hiệu quả vừa đỡ tốn kém. Bởi máy lạnh tỏa nhiệt và nhiệt lượng này sẽ giúp giày nhanh khô.

Cách làm: Giày sau khi xử lý vết bẩn thì dùng máy sấy tóc thổi sơ qua. Sau đó tháo hết dây giày và đặt giày gần dàn nóng của máy lạnh. Khoảng 20 phút thì đổi bên cho giày một lần và mất từ 1 – 2 giờ là giày sẽ khô.

7. Làm khô giày bằng miếng giữ nhiệt

Làm khô giày bằng miếng giữ nhiệt cực kì đơn giản nhưng không phải ai cũng biết.

Cách làm: Bạn chỉ cần nhét những miếng giữ nhiệt vào trong giày và chờ. Để một khoảng thời gian rồi kiểm tra, nếu giày vẫn còn ẩm thì thay miếng mới cho đến khi giày khô hơn là được.

Lưu ý:

  • Không phơi giày ngoài nắng, đặc biệt là giày da. Giày da phơi nắng sẽ làm lớp da co cứng lại, bị nứt và rất dễ rách.
  • Giày có dấu hiệu ẩm ướt thì tuyệt đối không đánh giày ngay mà trước hết phải lau khô.
  • Với giày vải cotton hoặc giày da lộn, bạn nên chà lên bề mặt giày một lớp sáp ong rồi dùng máy sấy sấy nhẹ để sáp ong chảy ra và để ở nơi khô thoáng. Cách này tạo cho giày một lớp chống nước tốt và không ảnh hưởng gì đến độ bền đẹp của giày.
  • Nên thủ sẵn ít nhất một loại bình xịt chống nước cho giày mỗi khi đến mùa mưa.

Hi vọng những phương pháp làm khô giày trên đây sẽ hữu ích và giúp bạn vượt qua mùa mưa dễ dàng hơn.

← Bài trước Bài sau →
Currency select
Choose a language